VIÊM HỌNG & CÁCH ĐIỀU TRỊ

VIÊM HỌNG & CÁCH ĐIỀU TRỊ

04:50 18/12/2019

Viêm họng là bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh viêm đường hô hấp. Nguyên nhân viêm họng có thể do nhiễm VIRUS, VI KHUẨN, DẠ DÀY, NẤM hoặc có thể kết hợp các nguyên nhân trên. Triệu chứng của viêm họng cũng vì thế mà khá đa dạng và đôi khi khó phân biệt. Chính vì vậy, cách điều trị tương ứng với mỗi nguyên nhân triệu chứng sẽ có đôi chút khác biệt như sau:

  1. VIÊM HỌNG DO VIRUS

Theo thống kê của các tổ chức y tế uy tín, 90% viêm họng có nguyên nhân ban đầu là virus. Bệnh này thường có các biển hiện như đau rát họng nhiều, cảm giác sưng, sốt hoặc không sốt, có thể kèm theo ho, thường là không đờm hoặc đờm mũi trong loãng và không có dấu hiệu khò khè khó thở. Việc điều trị chủ yếu để làm giảm triệu chứng đau rát họng và ngăn ngừa nguy cơ chuyển thành viêm họng do vi khuẩn cũng như viêm phế quản. Điểm đáng lưu ý trong khi điều trị là không dùng kháng sinh nếu chưa có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Các thuốc và sản phẩm thường được sử dụng bao gồm:

  • Nước súc miệng (Iod, chlorhexidin)
  • Chống viêm (alphachymotrysin, corticoid)
  • Xịt họng (Keo ong, Nano bạc, Betadine)
  • Xịt rửa mũi (NMSL, muối biển, chất co mạch –zolin, corticoid…)
  • Viên ngậm (Keo ong, Thảo dược, Tyrothricin, Benzooat…)
  • Siro ho (thảo dược, dextromethorphan…)
  • Tăng đề kháng (Vitamin C, Kẽm, sữa non…)

Để việc tuân thủ điều trị được tốt nhất, dược sĩ cũng cần chia sẻ với khách hàng về diễn biến của bệnh khi hoàn toàn có nguy cơ chuyển từ virus sang bội nhiễm vi khuẩn nếu sức đề kháng không tốt cũng như thiếu tích cực trong quá trình điều trị bao gồm không súc miệng, không giữ ấm, không xịt rửa mũi…

  1. VIÊM HỌNG DO VI KHUẨN

Tại Việt Nam, tỉ lệ viêm họng do vi khuẩn rất cao một phần do yếu tố môi trường, một phần do những sai lầm trong quan điểm phòng và điều trị ở một lượng lớn bộ phận khách hàng cũng như đội ngũ chuyên môn. Biểu hiện viêm họng do vi khuẩn cũng khá điển hình ngoài đau rát họng nhiều, cảm giác sưng như virus thì thường kèm theo ho nhiều, sốt cao, đờm đặc quánh xanh vàng kèm theo nước mũi nhiều, đặc vàng xanh nhưng không có biểu hiện khò khè khó thở. Các thuốc và sản phẩm thường được chỉ định, bao gồm:

  • Kháng sinh (B-lactam, Macrolid)
  • Chống viêm (alphachymotrysin, corticoid)
  • Nước súc miệng (Iod, clohexidin)
  • Xịt họng (Keo ong, Nano bạc, Betadine
  • Xịt rửa mũi (NMSL, muối biển, chất co mạch –zolin, corticoid)
  • Viên ngậm (Keo ong, Thảo dược, Tyrothricin, Benzooat…)
  • Siro ho (thảo dược, dextromethorphan…)
  • Tăng đề kháng (Vitamin C, Kẽm, Sữa non…)
  1. VIÊM HỌNG DO DẠ DÀY

Viêm họng liên quan đến dạ dày (trào ngược, đau dạ dày, viêm loét dạ dày, tiền sử dạ dày…) vốn không còn xa lạ trong những năm gần đây. Do đó việc khai thác hỏi bệnh ở đối tượng đau rát họng nhất là ở người lớn cần bổ sung thêm các dấu hiệu của bệnh dạ dày như: có ợ hơi ợ chua, có đau tức vùng thượng vị, có đau tức ngực, có cảm giác buồn nôn khi nằm hay thường xuyên nôn khan vào sáng sớm… Chính vì vậy, việc điều trị viêm họng liên quan đến dạ dày ngoài các Thuốc và các sản phẩm hỗ trợ viêm họng sẽ bổ sung thêm các phân liên quan đến dạ dày, bao gồm:

  • PPI
  • Trung hòa acid
  • Sản phẩm hỗ trợ: Omega3, tuần hoàn não, nghệ, mật ong…
  • Phác đồ HP (Nếu có liên quan đến HP)

Hiệu quả điều trị viêm họng trong tình huống này phụ thuộc rất lớn vào điều trị dạ dày, trong khi đó để dứt điểm bệnh dạ dày cần sự phối hợp của cả 4 yếu tố: Thuốc & sản phẩm hỗ trợ, Thức ăn cũng như chế độ ăn uống tốt, đặc biệt là Tinh thần và cuối cùng là Tập luyện. Do đó, rất cần sự hướng dẫn chi tiết của dược sĩ và sự tuân thủ tốt của khách hàng để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.

  1. VIÊM HỌNG DO NẤM

Viêm họng do nấm không quá phổ biến như 3 nguyên nhân trên, nên ít được nghĩ đến trong quá trình điều trị, từ đó đem đến nhiều phiền toái cho khách hàng, khiến bệnh càng ngày càng nặng hơn (nhất là trong trường hợp khách hàng thường xuyên sử dụng corticoid để giảm triệu chứng ngứa rát khiến nấm có cơ hội phát triển mạnh mẽ). Triệu chứng điển hình của viêm họng do nấm là gốc lưỡi có rêu trắng, miệng hôi, khàn tiếng (do nấm bao quanh dây thanh quản), đờm trắng đục đặc dính, ngứa rát họng và ho nhiều. Trong tình huống này, dược sĩ chỉ có thể tư vấn các sản phẩm hỗ trợ như nước súc miệng, viên ngậm và nên khuyên khách hàng đi nội soi họng để biết mức độ viêm nhiễm, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp bao gồm kê đơn kháng nấm hoặc có thể kết hợp tiểu phẫu bóc tách trong trường hợp nấm dày. Nếu thời gian dùng thuốc kháng nấm kéo dài, khả năng ảnh hướng đến gan lớn, dược sĩ có thể tư vấn thêm các sản phẩm bổ gan để giảm bớt tác dụng không mong muốn, hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị của khách hàng.

--------------------------

Bài viết được biên soạn bởi DSĐH Trần Thị Phương Trang - Giám đốc đào tạo MPR Academy. Mọi thông tin sao chép cần ghi rõ nguồn trong đầu bài viết.


🎥 Đón xem các buổi LIVESTREAM của Dược Sĩ Phương Trang về những chủ đề tư vấn chăm sóc sức khỏe tại group TỦ THUỐC THÔNG THÁI https://www.facebook.com/groups/tuthuocthongthai
🌐 Website: www.aloduocsi.com
 Hotline: 0988033572

zalo